Khi nhắc đến Bình Định, nhiều du khách chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ ở nơi đây. Tuy nhiên, vùng đất này còn là cái nôi của nhiều làng nghề truyền thống, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời. Một trong những làng nghề đặc sắc mà bạn không thể bỏ qua khi đến Bình Định là làng nghề nón ngựa Phú Gia, một biểu tượng của sự mạnh mẽ và uy nghiêm gắn liền với lịch sử hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn.
Làng nón ngựa Phú Gia tọa lạc tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát, nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 35km. Đây là ngôi làng đã tồn tại và phát triển hơn 300 năm, nơi chế tác nón ngựa từ đời này sang đời khác.
Cụ Đỗ Văn Lan, một nghệ nhân 76 tuổi với 64 năm kinh nghiệm, là người giữ lửa cho làng nghề nón ngựa. Gia đình cụ đã trải qua 4 đời làm nghề, mỗi chiếc nón ngựa do cụ tạo ra không chỉ là tác phẩm thủ công tinh xảo mà còn mang đậm giá trị văn hóa. Cụ Lan chia sẻ rằng, sở dĩ nón ngựa có tên gọi như vậy vì xưa kia, chúng được làm để phục vụ vua chúa và quan lại khi cưỡi ngựa. Các họa tiết thêu trên mỗi chiếc nón sẽ tương ứng với chức vụ và phẩm hàm của người đội nón.
Để hoàn thiện một chiếc nón ngựa, người thợ phải trải qua hơn 10 công đoạn công phu và tỉ mỉ. Đặc biệt, công đoạn thêu hoa văn là phần quan trọng nhất, yêu cầu phải có sự khéo léo và tinh tế. Những hoa văn trên nón không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn truyền tải vẻ đẹp truyền thống, phản ánh tâm hồn và văn hóa của người Việt.
Giá của một chiếc nón bình thường dao động từ 40.000-50.000 đồng, trong khi nón ngựa với những họa tiết phức tạp hơn có giá từ 300.000-500.000 đồng, thậm chí có thể cao hơn tùy thuộc vào kích cỡ và mức độ cầu kỳ của hoa văn.
Ngoài ra, nón ngựa Phú Gia còn nổi bật bởi độ bền vượt thời gian. Mỗi chiếc nón có thể sử dụng từ 150 đến 200 năm, và nhiều chiếc nón với tuổi đời hơn 200 năm vẫn còn được lưu giữ tại thôn Phú Gia. Không chỉ có giá trị sử dụng, những chiếc nón ngựa do cụ Đỗ Văn Lan chế tác còn là tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại các triển lãm thủ công mỹ nghệ. Trong số đó có chiếc nón lớn nhất Việt Nam với đường kính 1 mét, là minh chứng rõ nét cho sự tài hoa và tâm huyết của người nghệ nhân.
Ngày 12 tháng 9 năm 2024, nghề nón ngựa Phú Gia đã chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào to lớn, khẳng định giá trị văn hóa bền vững của làng nghề, đồng thời tôn vinh công sức bảo tồn của cộng đồng và các nghệ nhân nơi đây.
Nếu có dịp ghé thăm Bình Định, hãy dành thời gian đến thăm làng nón ngựa Phú Gia nhé! Tại đây, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ những nghệ nhân tận tụy, tìm hiểu về quy trình làm nón ngựa công phu và khám phá những câu chuyện lịch sử đầy thú vị.
Hãy cùng My Quy Nhơn Tourist khám phá những nét đẹp truyền thống và văn hóa tại làng nghề nón ngựa Phú Gia nhé! Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong hành trình trải nghiệm văn hóa độc đáo này!