Vị trí của tháp Đôi
Tháp Đôi (hay còn gọi là tháp Hưng Thạnh) là một trong tám cụm tháp Chăm hiện còn trên đất Bình Định.Tháp nằm cách trung tâm thành phố 3 km về phía Tây Bắc, tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn.
Vùng đất này trước đây trống trải, từ tháp có thể nhìn thấu lên cầu Đôi nên tháp và cầu tưởng chừng như nằm cạnh nhau. Đây phải chăng là sự cố tình sắp đặt của lịch sử và bàn tay con người, để rồi hình tượng cầu Đôi - tháp Đôi đi vào nhiều bài ca dao trữ tình đặc sắc của người dân nơi đây:
“Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi
Vật vô tri còn biết đèo bồng đôi lứa, huống chi tôi với nàng”
Thời điểm xây dựng và trùng tu
Theo các nhà nghiên cứu, Tháp Đôi có niên đại xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII. Đây là giai đoạn vương quốc Chăm Pa giành lại độc lập từ đế quốc Khmer, vì thế mà kiến trúc tháp Đôi vừa mang ảnh hưởng của Khmer, vừa có nét kiến trúc Chăm Pa truyền thống.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tháp Đôi từng bị tàn phá khá nghiêm trọng. May thay, sau lần trùng tu từ năm 1990 - 1997, tháp Đôi đãkhôi phục được diện mạo gần như ban đầu.
Ngày nay,với vị trí không quá xa trung tâm, cùng cảnh sắc thiên nhiên yên bình, thấp thoáng bóng cây dừa, cau và hoa đại, tháp Đôi trở thành một trong những điểm đến thu hút khách du lịch của thành phố.
Khung cảnh thiên nhiên thoáng mát tại tháp Đôi.
Kiến trúc độc đáo từ bàn tay tài hoa của người Chăm
Gọi là tháp Đôi bởi cụm tháp này bao gồm 2 ngọn tháp cùng tọa lạc trên khu đất rộng hơn 6000 m2. Trong đó, tháp lớn cao 29,55m và tháp nhỏ cao 17,55m.
Cả hai ngôi tháp được cấu trúc gồm hai phần chính: phần thân tháp là khối than vuông vức và phần đỉnh tháp mặt cong.Từ bộ diềm mái trở lênlà cả một hệ thống nhiều tầng giả, mỗi tầng như vậy được trang trí ở 4 góc tháp bằng hình chim thần Garuda. Ngoài ra còn có các phù điêu hình khỉ Hanuman đang múa, hình các con vật thần thoại mình sư tử, đầu voi (Gajashimha)…
Kiến trúc của tháp Đôi chính là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Khmer và Chăm Pa. Ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer được thể hiện qua bộ mái thápvà nghệ thuật điêu khắc. Song, tháp Đôi cũng mang những nét kiến trúc và kiểu trang trí đặc trưng của những ngôi tháp Chăm Pa truyền thống, thể hiện qua thân tháp bình đồ hình vuông, bảo lưu những trang trí khắc tạc trực tiếp trên gạch ở hệ thống các vòm cửa giả và trang trí trên đá cũng trở nên ít dần.
Kiến trúc độc đáo của tháp Đôi.
Tượng thờ Linga và Yoni được đặt bên trong tháp. Hầu hết mọi người đã từng nghe qua Linga và Yoni, nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa đằng sau 2 ngẫu tượng này. Tục thờ Linga – Yoni thể hiện tín ngưỡng phồn thực, tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, là nguồn gốc mọi sự sinh sôi nảy nở của vạn vật.Trong đó, Linga là bộ sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Siva, biểu tượng của dương tính; Yoni là bộ sinh thực khí nữ, tượng trưng cho tính nữ của thần Siva, biểu tượng cho âm tính.
Vào tối mùng 2 Tết hằng năm, hoạt động múa Chăm sẽ được tổ chức tại tháp Đôi nhằm phục vụ người dân địa phương và khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc và phát huy giá trị của di tích.
Tháp Đôi là điểm đến thú vị, thu hút đông đảo du khách ghé thăm.
Tháp Đôi được ví là viên ngọc quý trong lòng thành phố Quy Nhơn,là di sản văn hóa vô giá của vùng đất Bình Định. Du khách đến với tháp Đôi Quy Nhơn chính là tham gia vào hành trình khám phá lịch sử, văn hóa và con người Chăm Pa cổ xưa. Du Khách khi đi Du Lịch Quy Nhơn hãy ghé thăm và khám phá tháp Đôi Quy Nhơn để được những trải nghiệm thú vị bạn nhé!
Công Ty Du Lịch My Quy Nhơn
Địa chỉ: Số 85/40 Hoàng Văn Thụ - Phường Quang Trung - Tp Quy Nhơn – Tỉnh Bình Định
Hotline: 0256 625 88 99 - 0822207222
Email: info@myquynhon.com
Website: https://myquynhon.com/
Facebook: https://www.facebook.com/myquynhontourist?mibextid=nW3QTL
Việt Hương - MQN