Phát triển loại hình du lịch văn học: Phát huy điểm riêng có, độc đáo về đất và người Bình Ðịnh

- Tin du lịch Bình Định, Phú Yên
Phát triển loại hình du lịch văn học: Phát huy điểm riêng có, độc đáo về đất và người Bình Ðịnh
Trong những năm gần đây, ngành du lịch Bình Ðịnh phát triển mạnh, chủ yếu khai thác các lợi thế về thiên nhiên, di sản lịch sử, văn hóa. Ðể phát triển toàn diện, phát huy tối đa lợi thế có sẵn, du lịch Bình Ðịnh cần mở rộng, bổ sung thêm một số loại hình du lịch khác. Trong đó, phát triển loại hình du lịch văn học là lĩnh vực Bình Ðịnh giàu tiềm năng, qua đó có thể giới thiệu được nhiều điểm riêng có, độc đáo về đất và người Bình Ðịnh.

Được mệnh danh là xứ sở “thượng võ, tôn văn”, Bình Định có một lợi thế rất lớn cần phải nói ngay đó là bề dày truyền thống văn chương với rất nhiều giá trị đặc sắc, độc đáo chỉ riêng Bình Định mới có. Khai thác thành công nguồn tài nguyên này, Bình Định không những chứng tỏ được khả năng khai thác văn học vào việc bảo tồn, quảng bá hình ảnh địa phương mà còn tạo được sự khác biệt cần thiết so với nhiều địa phương khác trong nước.



Xem thêm: Du Lịch Quy Nhơn...



Những địa chỉ du lịch văn học ở Bình Định



Trước tiên tôi muốn nói đến Quy Hòa - Ghềnh Ráng. Không gian này nằm trọn trong lòng TP Quy Nhơn, gồm hai địa danh Quy Hòa và Ghềnh Ráng, nối kết với nhau bởi con đường chạy dọc theo núi Xuân Vân, dài khoảng 3 km. Lâu nay, Quy Hòa - Ghềnh Ráng đã là một điểm đến ưa thích của du khách. Nơi đây có bờ biển Quy Hòa cong cong tựa vành trăng, bãi tắm Hoàng hậu san sát những tảng đá hình trứng rất đặc biệt, và địa danh Ghềnh Ráng - Tiên Sa gắn với một câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn.



Từng điều trị ở bệnh viện phong Quy Hòa, nhiều người biết tên tuổi của bệnh nhân nổi tiếng - thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ông đã sống tại đây từ năm 1936 cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 11.11.1940. Di nguyện của Hàn Mặc Tử là được chôn cất tại đèo Son, lưng tựa vào núi và mặt hướng ra biển. Đến năm 1959, di nguyện trên mới được thực hiện. Bạn bè và người thân đã cải táng, đưa ông ra Ghềnh Ráng, ngay trên đồi Thi Nhân hướng ra biển, ngày ngày đón gió từ khơi xa thổi về.



Sự hiện diện của Hàn Mặc Tử khiến Quy Hòa - Ghềnh Ráng trở thành một không gian du lịch đặc sắc. Hơn nữa cuộc đời, sự nghiệp thi ca Hàn Mặc Tử cùng những giai thoại, hồi ức, các nghiên cứu và sáng tác văn học, âm nhạc, phim ảnh về ông đủ để xây dựng nên một số chương trình du lịch văn học, thu hút nhiều hơn du khách đến với Quy Hòa - Ghềnh Ráng.



Thứ đến là Tiểu chủng viện Làng Sông, tại thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, cách TP Quy Nhơn mươi phút đi xe máy. Gần đây, Tiểu chủng viện Làng Sông đã được tỉnh Bình Định quy hoạch, xây dựng thành một điểm đến cho du khách theo chương trình du lịch tâm linh. Theo chúng tôi, bên cạnh giá trị tâm linh, Tiểu chủng viện Làng Sông còn là điểm đến du lịch văn học rất thú vị.



Như đã biết, sự ra đời của chữ Quốc ngữ gắn liền với địa phương Bình Định. Chính tại Nước Mặn, một cảng thị cổ (nay thuộc huyện Tuy Phước), cách nay hơn 400 năm, các linh mục Buzomi, Pina, Borri với sự giúp đỡ của quan khám lý Trần Đức Hòa và cư dân địa phương, đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Trong bối cảnh đó,  nhà in Làng Sông, Tiểu chủng viện Làng Sông nhanh chóng trở thành một trung tâm truyền bá chữ quốc ngữ, ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhà trường và xã hội thông qua nhiều loại sách báo, ấn phẩm khác nhau.



So với hai nhà in cùng thời là Ninh Phú (Hà Nội) và Tân Định (Sài Gòn), nhà in Làng Sông may mắn hơn khi có 241 ấn phẩm sách báo còn được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. Với nguồn di sản này, chúng tôi nghĩ hoàn toàn có thể xây dựng thành nội dung du lịch văn học chỉ đến với Bình Định mới có thể cảm nhận rõ ràng.



Nhà lưu niệm Xuân Diệu tọa lạc ngay trên nền cũ nhà bà ngoại của thi sĩ, tại thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Nhà lưu niệm được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, tuy không quy mô nhưng sang trọng; luôn là điểm đến của văn nghệ sĩ và người yêu thơ Xuân Diệu từ mọi miền đất nước.



Thời thơ ấu, Xuân Diệu sống ở Gò Bồi, được hít thở không khí văn hóa dân gian đậm đà tình nghĩa sông nước. Sau này, trên mỗi trang viết của ông về Bình Định, người đọc luôn bắt gặp hai tiếng “quê má” vang lên đầy mến thương và tự hào: “Quê má, quê má yêu. Ta mang theo sớm chiều” (Nhớ miền Nam); “Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát/Bình Định lúa xanh ôm bóng Tháp Chàm” (Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong).



Phía trước nhà lưu niệm Xuân Diệu là dòng sông Gò Bồi, chợ Gò Bồi lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Cảnh tượng ấy như nhắc gợi về một thời sầm uất của cảng thị Nước Mặn vào thế kỷ XVII. Một điều thú vị mà ít người biết là vào đầu thế kỷ XX, thi sĩ Hàn Mặc Tử cùng mẹ về sống ở Gò Bồi một thời gian để chữa bệnh. Chính nhờ quan sát sông Gò Bồi vào những đêm trăng mà Hàn Mặc Tử đã tạo nên hình tượng “sông trăng” rất đẹp trong câu thơ: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay” (Đây thôn Vĩ Dạ).  Những thông tin trên cho phép chúng ta nghĩ tới việc xây dựng một không gian văn học Gò Bồi rộng lớn, thu hút sự chú ý của nhiều du khách.



Sinh thời, nhà thơ Yến Lan không ít lần cho biết “nguyên mẫu” để ông tạo nên một Bến My Lăng trong thơ là bến đò Trường Thi, nằm trên sông Tân An - thuộc TX An Nhơn - một chi lưu của sông Côn chảy ra đầm Thị Nại. Ngày trước, đoạn sông này rất đẹp, cong như mi mắt thiếu nữ, và nước trong xanh in bóng những hàng tre… Những trải nghiệm thơ ấu của Yến Lan gắn bó với bến sông này đã trở thành vốn sống, hỗ trợ ông trong quá trình sáng tác, kiến tạo các hình ảnh thi ca đậm chất hoài niệm và lãng mạn, khiến cho bao thế hệ đọc Yến Lan đều cứ mong muốn ít nhất một lần được về với bến My Lăng cùng ông lái đò ngắm trăng đợi khách…



Yến Lan là một nhà thơ có vị trí đặc biệt trong thi ca Việt Nam hiện đại. Ông là một thành viên của nhóm thơ “Bàn thành tứ hữu” (còn gọi là Trường thơ Loạn), góp phần quan trọng vào sự thắng thế của phong trào Thơ Mới. Sau năm 1945, ông tham gia hoạt động cách mạng, tiếp tục sáng tác thơ ca cho đến khi mất (1998). Ông có một sự nghiệp thơ ca nhiều giá trị, được truy tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2007.



An Nhơn cả trong quá khứ lẫn hiện tại đã đóng góp cho văn chương Bình Định, văn chương nước nhà nhiều cây bút dồi dào sức sáng tạo. Nếu TX An Nhơn xây dựng được một bảo tàng văn học thì khách đến An Nhơn sẽ có thêm một điểm đến kết hợp khi về tham quan bến My Lăng - Trường Thi, làng mai Thanh Liêm, thành Hoàng đế, tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc, làng nghề nấu rượu Bàu Đá, làng nghề làm nón ngựa Gò Găng và nhiều công trình văn hóa khác.





Du khách thăm mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử nằm trong Khu du lịch Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn). Ảnh: C.X



Rộng đường cho du lịch văn học Bình Định



Trên cái nhìn tổng thể, sự tồn tại của loại hình du lịch văn học phụ thuộc vào “gia tài văn học” của địa phương và “nhu cầu khám phá văn học” của công chúng. Ở điều kiện thứ nhất, Bình Định là xứ “thượng võ, tôn văn”, có đủ tiềm lực để lôi cuốn, hấp dẫn du khách.



Khám phá văn học vùng đất này, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên về khả năng hội tụ và sản sinh các nghệ sĩ ngôn từ xưa nay. Về hội tụ, Bình Định chính là nơi các cây bút Đào Duy Từ (Thanh Hóa), Hàn Mặc Tử (Quảng Bình), Chế Lan Viên (Quảng Trị), Lê Văn Ngăn (Thừa Thiên Huế)… tinh anh phát tiết, “nhả ngọc phun châu”. Về sản sinh, Bình Định có Đào Tấn, Xuân Diệu, Yến Lan, Phạm Văn Ký, Phạm Hổ… và rất nhiều tên tuổi khác.



Hiện tại, Bình Định là địa phương có đội ngũ sáng tác rất hùng hậu, sự tiếp nối giữa các thế hệ rất tốt. Với điều kiện thứ hai, công chúng dù ở lứa tuổi nào cũng dồi dào cảm hứng khám phá cái mới, cái lạ. Vấn đề là, nhà tổ chức cần tạo được những tác động mang tính khơi gợi cảm hứng khám phá văn học địa phương cho du khách ở cả trong và ngoài tỉnh.



Trong việc khai thác loại hình du lịch văn học, thuận lợi đầu tiên của Bình Định đó là đã có thực tiễn từ việc khai thác điểm đến Ghềnh Ráng - Quy Hòa và Nhà lưu niệm Xuân Diệu. Thứ đến, khoảng cách giữa các điểm đến du lịch văn học không quá xa, có thể kết hợp dễ dàng để du khách có thể có nhiều trải nghiệm đồng thời trong một khung thời gian tiết kiệm. Chưa kể đến có thể kết hợp với nhiều nội dung khác, chẳng hạn, đến tham quan Nhà lưu niệm Xuân Diệu, du khách kết hợp thưởng thức món bánh xèo tôm nhảy rất nổi tiếng trên cùng địa bàn, ghé thăm chùa Bà và di tích lịch sử chữ Quốc ngữ kế bên.



Sự tham gia của văn nghệ sĩ vào các chương trình du lịch văn học cũng là điều cần thiết, góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho các hoạt động khám phá, tìm hiểu văn học địa phương. Ngoài việc tham gia trò chuyện trực tiếp, giới văn nghệ (nhất là những nhà nghiên cứu) sẽ biên soạn và xây dựng tủ sách giới thiệu thơ văn viết về Bình Định của các tác giả trong và ngoài tỉnh, xưa và nay.



Nguồn: Theo Báo Bình Định



Nhận xét đánh giá (có 1 bình luận và đánh giá)
Nhấn vào đây để đánh giá
0822 207 222
Hỗ trợ trực tuyến
0.02950 sec| 2155.523 kb